Chat

Máy ảnh film trong thời đại 4.0

Đăng bởi Admin vào lúc 28/08/2024

Tại sao trong thời đại công nghệ như hiện nay, những chiếc máy ảnh film vẫn có một vị trí nổi bật và không bị thay thế bởi những chiếc máy ảnh kĩ thuật số? Cùng Foxie đi tìm câu trả lời thông qua lịch sử của nhiếp ảnh film nói chung và máy ảnh film nói riêng trong bài viết này nhé.

 

Lời mở đầu

Tại sao chúng ta không thử tưởng tượng ra viễn cảnh khi máy film đã chết cùng với sự huy hoàng và sự vĩ đại trong việc ghi nhận hình ảnh của nhân loại. Cũng khá dễ hiểu khi đã có một thời gian film bị lãng quên như bao thứ hàng công nghệ khác. Máy kỹ thuật số lên ngôi cùng với công nghệ lấy nét tự động, với số lượng ảnh chỉ giới hạn ở thẻ nhớ, thao tác nhanh cùng với vô vàn ống kính với chất lượng cực kì tốt. Nhưng thú chơi film và ảnh film cũng bền bỉ như chiếc máy ảnh film vậy. Thật vậy, dù cho thời kỳ hoàng kim của film đã qua rất xa nhưng mọi thứ vẫn chưa bao giờ kết thúc.

 

Lịch sử của máy ảnh film 

 

1. Những máy ảnh Single-Lens Reflex khổ to đầu tiên

Chiếc máy ảnh một gương lật đầu tiên, ngạc nhiên thay đã được phát minh vào năm 1861 bởi nhiếp ảnh gia và nhà sáng chế người Anh tên Thomas Sutton nhưng bạn đọc đừng lầm tưởng với máy ảnh SLR sau này. Những chiếc SLR của thế kỷ 19 là những cỗ máy khổng lồ thật sự nặng nề và quá khổ. 

Nguyên lý hoạt động máy SLR đời đầu

 

2. Những bước nhảy vọt lịch sử

Dần dần, nhiều công nghệ và những phát minh mới được giới thiệu, nhưng thật không đủ để 1 bài blog duy nhất có thể kể hết toàn bộ quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật. Nhìn chung, từ tấm kính được phủ lớp nhũ tương đến miếng film nhựa chúng ta thấy ngày nay, tất cả đều nhờ vào George Eastman, ông là người đã thành lập thương hiệu Kodak Eastman mà chúng ta vẫn đang tin dùng ngày nay. Ông là người đã phát minh ra film nhựa cảm quang giúp thay đổi hoàn toàn nền công nghiệp nhiếp ảnh thế giới. Đến năm 1888, chiếc máy ảnh nhỏ gọn, chỉ cầm nhấn nút là có ảnh đầu tiên ra đời được ông đặt tên là Kodak, với chữ K đại diện cho sự nhạy sáng của film. 

 

Đến những 1900, một dòng máy ảnh thậm chí là đơn giản hơn Kodak đã ra đời, máy Kodak Brownie đánh dấu bước đột phá để đem nhiếp ảnh đến gần hơn với những hoạt động thường ngày và báo chí. 

 

3. Giai đoạn hoàng kim của nhiếp ảnh film

Khoảng gần một thế kỷ, khoa học kỹ thuật nói chung phát triển vượt bật cũng làm cho máy ảnh film và màu sắc của film càng có những bước tiến mới mỗi ngày. Nhiều hãng máy ảnh khác ra đời và vô cùng nổi tiếng đến tận ngày nay có thể kể đến như Leica của Đức, chính hãng này đã đưa khổ film 35mm trở thành khổ film phổ biến nhất đến tận ngày nay, Nikon của Nhật Bản, trở thành một huyền thoại trong máy ảnh film với chiếc Nikon F2 gần như là hoàn hảo và là một đối thủ lớn của các hãng máy ảnh Đức, hay Fuji, hãng film vô cùng nổi tiếng của Nhật Bản,...

 

 

4. Sự lụi tàn

Cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ 3, máy tính đã được đưa vào áp dụng rộng rãi vào những năm 1970 đã tạo ra một làn sóng mới đến nhiếp ảnh thế giới. Từ đây các hãng film và máy ảnh film cũng phải chạy đua với nhau để xem ai sẽ là người làm chủ được công nghệ số trước. Hãng Kodak, Sony, Nikon, Canon cũng đã cho phát triển những công nghệ số đời đầu, những loại cảm biến mới sắp sửa thay đổi hoàn toàn nhiếp ảnh trên thế giới.

 

Đến năm 1999, Nikon đã cho ra mắt máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên với tên gọi Nikon D1. Những năm sau đó là sự bùng nổ của máy kỹ thuật số trên thị trường máy ảnh toàn cầu. Các máy kỹ thuật số có điểm mạnh nổi bật là dễ dàng tiếp cận với nhiều công nghệ hiện đại hơn như tự lấy nét (autofocus), chụp với tốc độ màn trập cực nhanh giúp bắt khoảnh khắc dễ dàng hơn hoặc chụp với tốc độ màn trập lên đến vài phút hoặc hơn, màn hình LCDs để điều chỉnh thông số,...

 

Vì thế mà những phát minh đó đã tạo cho nhiếp ảnh thêm những phong cách, thể loại chụp hoàn toàn mới. Nhưng những bước ngoặt về công nghệ và máy ảnh kĩ thuật số lại là dấu chấm hết cho một thời kì đỉnh cao của nhiếp ảnh film. 

 

5. Liệu có phải mọi thứ đã kết thúc?

Đọc đến đây chắc bạn cũng sẽ nghĩ vậy coi như film đã không còn giá trị nữa rồi. Nhưng cũng như “một chai rượu ngon” vậy, càng cất lâu nó sẽ càng ngon, chỉ là nó đang chờ để có dịp tỏa sáng mà thôi. Film có thể đã ngủ quên trong lòng những người yêu thích cuộn nhựa này, nhưng cũng như những cuộn film outdate vậy, dù đã hết hạn nhưng càng về sau, độ hiếm và sắc đẹp của chúng lại càng có giá trị nếu người thưởng thức biết cách t���n dụng hết “hương vị” của chúng. 

 

Thời gian gần đây, giá trị của film đã được các bạn trẻ tìm lại, một số ít thì thích màu sắc của film, một loại màu sắc mà khó có thể đạt được chỉ bằng việc chỉnh trên điện thoại, lại có những bạn thích vẻ ngoài của chiếc máy và cách mình có thể “sống chậm lại” cùng với những khoảnh khắc và những tấm film mình đã chụp. Số đông khác lại thích trân trọng những gì “cũ kĩ”, của ông cha để lại. Lại có những bạn tìm đến nhiếp ảnh trắng đen đã lỗi thời nhưng dùng những kĩ thuật và thị hiếu của thời hiện đại để làm mới film lên, tạo ra một màu sắc hoàn toàn khác, thú vị hơn. 

 

Và tại sao nhiếp ảnh film vẫn còn tồn tại? Vì vẫn còn những cá nhân có thể thấy được cái đẹp, cái “chân - thiện - mỹ” của film, Saigon Film Photowalk là một ví dụ của việc biến môn học Lịch sử trở nên thú vị hơn khi bạn sẽ vào vai là một người sinh sống tại chính thời kì mà bạn đang học thông qua lăng kính của máy ảnh film, tăng sự chân thật cho những lần chụp. Hoặc Llab, một trong những lab tráng film ở Sài Gòn vẫn còn hoạt động, góp phần lớn trong việc duy trì câu chuyện của miếng film nhựa trong thời đại kỹ thuật số. Fox Spirit Film, đặc biệt là nơi cung cấp các loại film của các hãng lớn nhỏ khác nhau với chất lượng vô cùng tốt. Và hơn thế nữa, có những đặc tính của miếng film mà chỉ có sự phản ứng của hóa chất với ánh sáng, của các hợp chất với nhau mới có thể tạo ra được một bức ảnh sắc nét làm cho film có một chỗ đứng vô cùng vững chắc trong thời đại kỹ thuật số bây giờ. 

 

6. Chụp film: Thời nay vs Thời xưa

Một điểm cộng cho sự sáng tạo của chúng ta, hiện nay điện thoại có thể làm được rất nhiều thứ và có thể hỗ trợ các bạn có những trải nghiệm dễ dàng hơn với máy film. Những ứng dụng đo sáng được phát triển có thể giúp bạn chụp đạt được những bức ảnh film đủ sáng. Hay những năm trở lại đây Kodak cũng sử dụng những công nghệ mới để làm cho chất lượng ảnh khi lên film sẽ nét hơn, hạt sẽ được mịn hơn,... Và ngay trong năm nay, chúng ta lại có những tin mừng đầy hứa hẹn với sự ra mắt của dòng film mới của Lomography là Lomo Color ‘92 và Harman Technology cho ra mắt một dòng film hoàn toàn mới được sản xuất và phát triển bởi chính Harman Technology giúp cho thị trường film càng thêm năng động hơn bao giờ hết. Film nhựa đang dần trở thành xu thế mới của giới trẻ giúp cho film có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng những người đam mê nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh film nói riêng. 

 

LỜI KẾT 

Trôi theo dòng lịch sử, ta vừa chứng kiến sự phát triển hơn 100 năm của nhiếp ảnh nói chung và film nói riêng, đã có thể hiểu thêm về những cái khó cũng như những thế mạnh của việc “chơi film” trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Máy ảnh kỹ thuật số suy cho cùng cũng chỉ là một công cụ, máy ảnh film cũng vậy, quan trọng là người nghệ sĩ biết cách lựa chọn công cụ và loại vật liệu nào để từ đó tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đủ cả “chân-mỹ-thiện”. 

Thực hành nhiếp ảnh film đúng thật có rủi ro, có thất bại, có cả những khó khăn không lường trước được do chất lượng film, kỹ thuật chụp, cách tráng,...nhưng đó vừa là một cái hay, là một thú vui để vừa chơi vừa học, là sự thôi thúc những tay chơi film có thể mỗi ngày học và trải nghiệm những kiến thức mới để qua đó biến mỗi câu chuyện của mỗi người trên tấm film càng thêm đẹp và “chân-mỹ-thiện”.  

Tác giả: Khắc Phục

------------------------------------------------------

Nghe xong lịch sử huy hoàng của máy ảnh film, trong lòng rộn ràng muốn mua ngay 1 em máy thì mua tại đây nhé! 

Mỗi loại máy ảnh film đều mang trong mình những câu chuyện riêng, khám phá thêm lịch sử của máy 127mm: Tại đây

 
Bạn đang xem: Máy ảnh film trong thời đại 4.0
Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: